XtGem Forum catalog

Tổng hợp những câu chuyện hay nhất

Tuyết Hoa Và Cây Quạt Bí Mật

Tuyết Hoa Và Cây Quạt Bí Mật

Tác giả: Lisa See

Ngày cập nhật: 02:58 22/12/2015

Lượt xem: 1341057

Đang đọc: 11 độc giả

Bình chọn: 9.00/10/1057 lượt.

may vá, phẩm giá, và, quan trọng nhất là chữ viết bí mật của đàn bà.”
Mẫu Đơn rất chịu khó học hành, nhưng một hôm nó nói với tôi, “chữ viết của con trông như gà bới ấy. Con mong bà sẽ tha lỗi cho con và cả chữ của con nữa.”
Cô bé là cháu nội của Tuyết Hoa, nhưng làm thế nào tôi có thể không thấy chính mình trong nó?
THỈNH THOẢNG TÔI TỰ HỎI điều gì tồi tệ hơn, chứng kiến Tuyết Hoa chết hay nhìn chồng tôi mất. Cả hai chuyện đó đều đau đớn khủng khiếp. Chỉ một người có một đoàn đưa tang trong đó ba đứa con trai đi bằng đầu gối đến tận huyệt mộ. Khi tôi ở tuổi năm mươi bảy thì chồng tôi qua đời, quá già để các con trai tôi nghĩ tới chuyện cho tôi tái giá hay lo lắng liệu tôi có chịu làm một bà góa đức hạnh hay không. Tôi đã ở vậy quá lâu, chỉ có điều bây giờ tôi chính thức góa bụa. Tôi không viết gì nhiều về chồng tôi trong những trang này. Toàn bộ chuyện đó nằm trong tiểu sử tự bạch của tôi rồi. Nhưng tôi sẽ nói điều này: chồng tôi đã cho tôi lý do để sống hết ngày này qua ngày khác. Tôi phải chăm lo bữa ăn của chồng. Tôi phải nghĩ ra những chuyện thông minh để làm chồng vui thích. Khi chồng mất, càng ngày tôi càng ăn ít hơn. Tôi không còn bận tâm đến chuyện trở thành tấm gương mẫu mực cho đàn bà con gái trong huyện nữa. Ngày qua rồi đến tuần. Tôi bẵng quên đi thời gian. Tôi không quan tâm đến sự luân chuyển của bốn mùa. Năm tháng trôi qua theo hàng thập kỷ.
Rắc rối của việc sống quá lâu là người ta phải chứng kiến quá nhiều người lần lượt qua đời. Tôi sống lâu hơn hầu hết mọi người - bố mẹ tôi, chú thím tôi, anh chị em của tôi, bà Vương, chồng tôi, con gái tôi, hai đứa con trai tôi, tất cả những đứa con dâu của tôi, thậm chí là Dũng Cảm. Con trai cả của tôi trở thành cống sinh rồi sau đó là tiến sĩ. Chính hoàng đế đã đọc bài văn bát cổ của nó. Là một vị quan trong triều, con trai tôi luôn phải ở xa, nhưng nó vẫn bảo vệ địa vị của gia đình họ Lữ qua nhiều thế hệ. Nó rất có hiếu, và tôi biết nó sẽ không bao giờ quên trách nhiệm của mình. Thậm chí nó còn mua trước một cỗ quan tài - đồ sộ và bóng loáng - cho tôi yên nghỉ sau khi tôi mất. Tên nó - cùng với tên chú Lữ và tên cụ của Tuyết Hoa - được viết bằng chữ viết của đàn ông treo ở miếu thờ họ của Thông Khẩu. Ba cái tên ấy sẽ ở đó cho đến khi ngôi miếu đổ nát.
Mẫu Đơn giờ đã ba mươi bảy tuổi, lớn hơn tôi sáu tuổi khi tôi trở thành bà Lữ. Là vợ của đứa cháu nội đầu tiên của tôi, con bé sẽ trở thành bà Lữ mới khi tôi mất. Nó sinh được hai đứa con trai, ba đứa con gái, và có thể sẽ còn sinh thêm nhiều đứa nữa. Con trai đầu của con bé đã cưới một cô vợ ở thôn khác. Con bé đó vừa mới sinh đôi, một trai một gái. Trên gương mặt của lũ trẻ tôi nhìn thấy Tuyết Hoa, đồng thời cũng nhìn thấy chính mình. Khi còn là những đứa bé gái, mọi người bảo chúng tôi là những nhánh cây vô dụng, vì chúng tôi sẽ không duy trì họ của cha đẻ mình mà chỉ duy trì họ của gia đình nhà chồng, nếu chúng tôi đủ may mắn sinh được những đứa con trai. Theo đó, người đàn bà sẽ vĩnh viễn thuộc về gia đình chồng của cô ta, dù cô ta còn sống hay đã chết. Tất cả điều đó đều đúng, nhưng những tháng ngày này tôi thấy mãn nguyện vì biết rằng dòng máu của tôi và Tuyết Hoa sẽ sớm cai quản nhà họ Lữ.
Tôi vẫn luôn tin lời người xưa cảnh báo, “một người đàn bà không có tri thức thì sẽ tốt hơn một người đàn bà có học.” Cả đời mình tôi đã cố gắng đắp tai cài trốc trước những gì xảy ra ở địa hạt bên ngoài và không ao ước được học chữ của đàn ông, nhưng tôi học cung cách của đàn bà, các câu chuyện và nữ thư. Nhiều năm trước, khi tôi đến Cẩm Điền để dạy Mẫu Đơn và các chị em kết nghĩa của con bé những nét chữ viết nên mật mã của chúng tôi, nhiều người đàn bà đã hỏi rằng liệu tôi có thể chép lại tiểu sử của họ không. Tôi không thể từ chối. Đương nhiên là tôi nhận công - ba quả trứng và một ít tiền. Tôi không cần trứng hay tiền, nhưng tôi là bà Lữ và họ cần phải kính trọng địa vị của tôi. Song chuyện này còn đi xa hơn thế. Tôi muốn họ đưa điều gì đó giá trị vào cuộc sống của họ, mà phần lớn là chuỗi ngày buồn thảm tối tăm. Họ xuất thân từ những gia đình nghèo khổ và bạc bẽo, đã gả họ đi từ khi còn non dại. Họ phải chịu đựng nỗi khổ đau vì phải xa cách bố mẹ, bị mất đi những đứa con, bị sỉ nhục vì có địa vị thấp nhất trong gia đình chồng, và quá nhiều người bị chồng đánh đập. Tôi biết nhiều về đàn bà và nỗi khổ của họ, nhưng tôi vẫn chẳng hiểu gì nhiều về đàn ông. Nếu người đàn ông đã không thấy vợ anh ta có chút giá trị gì khi cưới cô ta về thì sau đó việc gì anh ta phải quý trọng vợ mình cơ chứ? Nếu anh ta nhìn vợ mình không khác gì lũ gà có thể không ngừng đẻ trứng hay con trâu có thể chịu cảnh cổ cày vai bừa, thì sao anh ta lại phải xem trọng cô ta hơn những con vật đó? Thậm chí anh ta còn có thể đánh giá cô ta thấp hơn thế, vì cô ta không bạo dạn, mạnh khỏe, bao dung hay rửa ráy sạch sẽ cơ thể mình.
Sau khi nghe nhiều chuyện đến thế, tôi nghĩ về chuyện của chính mình. Bốn mươi năm qua, quá khứ chỉ khơi dậy trong tôi nỗi ân hận. Chỉ có một người thật sự quan trọng đối với tôi, nhưng tôi đã đố