
Tác giả: Tchya
Ngày cập nhật: 22:44 17/12/2015
Lượt xem: 134865
Đang đọc: 11 độc giả
Bình chọn: 9.00/10/865 lượt.
hình phạt thế nào cho thầy sống cũng như chết, ăn mất ngon, ngủ mất yên, đêm ngày tâm trí lo sợ, hối hận, hai mắt dở mù dở sáng, để thấy những cảnh mất đầu đổ máu tự tay thầy đã gây nên. Như thế, may ra mới xứng đáng. Nàng muốn tìm kế báo thù như thế, nhưng thời gian thấm thoát, nàng chưa tìm được kế gì. Có lắm lúc mối oán hận trong lòng như sóng nước chơi vơi, trần lên tới cổ, nàng muốn chém thầy ngay, đầu độc thầy ngay, song chợt nghĩ đến đứa con gái còn thơ, nàng lại nén dằn, giả bộ ra vẻ đềm đạm như thường, khiến thầy không nghi ngờ gì hết.
Ðể biết rõ ngày xưa thầy hành động thế nào, Oanh Cơ lần về Nam Ðịnh, đến tòa xứ, hỏi những người bạn của thầy Thông, nhờ họ cho xem tập hồ sơ của cái án cũ Lê Trọng Việt. Xem tập án ấy nàng mới hay lá đơn khiếu nại thầy đã làm hộ cho mẹ con nàng đại ý như sau:
"Chúng tôi là Bùi Thị Lan, vợ góa của quan nguyên Lãnh binh Lê văn Khúc, và Nguyễn Oan Cơ, nàng dâu thứ hai của vị cựu quan ấy, cúi đầu thành khẩn kính xin các Quan Tòa đèn trời soi xét trông lại cho chúng con nhờ.
Nguyên hai tên Lê Mạnh Khôi và Lê Trọng Việt tức là con, anh chồng và chồng chúng con, gần đây lại can phạm vào vụ cướp ở Làng Ngọc Chính Hạ. Tên đầu đảng bọn cướp đó là Nguyễn Quán, có rủ rê người nhà chúng con làm việc phạm pháp; người nhà chúng con trót dại giúp đỡ quan phản nghịch, nhưng cúi xin các quan thương cho mà đừng bắt tội, bởi lẽ, nếu hai anh em Khôi và Việt bị tội, thì họ Lê chúng con sẽ tuyệt tự. Khôi và Việt còn mẹ già năm nay đã ngoài 50 lại có vợ dại con thơ, không biết nương tựa vào đâu, tình cảnh thực là bi thiết, cúi xin các quan mở lượng hải hà, hết sức che chở bao dung cho, chúng con sẽ ngậm vành kết cỏ, đội ơn các quan lớn vạn bội."
Một lá đơn như thế, có bao giờ hai mẹ con nàng Oanh chịu ký tên ở dưới, nếu thầy Thông không đọc trái đi một cách khác, bảo rằng hai cậu ấm Lê không từng vào phe với đảng cướp bao giờ. Cứ theo lá đơn này, thì rõ ràng là, nàng Oanh Cơ và mẹ chồng nàng đã nhận rằng hai cậu ấm có đi ăn cướp thật, và kêu xin quan tòa ra tay tế độ, mở đường hiếu sinh cho. Nàng Oanh xem đến đấy, khí giận bốc lên ngùn ngụt nàng phải rút khăn lau mồ hôi trán đến bốn năm lần. Nàng lại giở xem nữa. Ðến đoạn lấy khẩu cung, của anh em Khôni, Việt mà chính thầy Thông hồi ấy đã dịch cho các quan tòa nghe, như sau này:
"Chúng tôi vì có điều tức giận nên đi theo đảng cướp. Nay đã làm nên tội, chúng tôi không hối hận gì cả!"
Trời ơi! Có lẽ nào anh chồng và chồng nàng lại điên cuồng ngộ dại mà khai như vậy? Thực tình họ có đi theo đảng cướp bao giờ! Con người độc địa sâu cay làm sao! Thế mà ngoài mặt vẫn đạo mạo nghiêm trang, ai nào dám bảo là một kẻ giết người không đao kiếm.
Sau khi ở Nam Ðịnh về Oanh Cơ viện hết lẽ này đến lẽ khác, không hề chung chạ gối chăn với thầy Thông nữa. Cho mãi tới ngày thầy được giấy quan trên cho thăng chức Tri Châu, và bổ đi Phong Thổ. Thầy đi trước, chỉ đem một ít hành lý, dặn nàng ở lại Bắc Cạn rồi đem người nhà và đồ đạc theo sau. Trước khi lên đường, không hiểu tại sao nàng cảm thấy một sự gì buồn buồn khó tả, tựa hồ báo trước cho nàng biết, nàng sắp gặp những tai nạn bất ngờ. Rửa mặt, nàng ngửi thấy nước có mùi tanh; ra cửa nàng bị vấp suýt ngã; rồi lại có con chó vàng đến kéo áo như muốn lôi nàng trở lại... Thực là những điềm quái dị vô cùng. Nàng bèn thảo một phong thư di chúc trao cho cháu Nguyễn Tiêu; đoạn, nàng bày tỏ nỗi oán hận của mình cho cháu rõ và bảo chàng rằng:
- Cháu chịu khó giữ lấy thư này cho kín đáo cẩn thận lắm mới được! Khi nào em Quyên (con gái nàng) đýng 18 tuổi, bấy giờ cháu mới kể lại sự tích cha nó thế nào cho nó nghe. Và cháu sẽ bảo nó theo đúng lời cô mà báo thù. Báo thế nào cho kẻ kia phải điêu linh, khổ sở, còn cũng như mất chớ đừng giết hại nó làm gì! Bởi giết nó, tức là gia ân cho nó đấy. Ði chuyến này, cô cảm thấy mệnh số cô hình như sắp hết; cô cháu ta sẽ cùng nhau vĩnh quyết nay mai. Trên đời này, cô không còn ai họ hàng thân thích cả, chỉ có cháu và em Quyên. Cô thường vẫn thương cháu như con, vậy một mai cô có mệnh hệ nào, cháu sẽ nghĩ tình tận lực giúp em cho nó trả được thù ấy. Ðó là cháu đáp nghĩa cho cô đấy!
Nỗi lo ngại của nàng Oanh Cơ quả nhiên thành sự thật. Nàng bỏ con thơ cháu bé ở lại với cuộc đời tàn ác, để một mình lánh sang cõi thế bên kia.
Câu chuyện sự tích nàng Oanh đến đây là dứt.
Từ ngày nàng bị hổ tha vào rừng, thì cứ những đêm mưa gió bấc, những đêm u ám không trăng, trên quãng đèo Ô Quý Hồ lại văng vẳng có giọng đờn ca não ruột, ai bạo gan xông xáo trong đêm khuya rừng vắng, thì thấy ba cái bóng ma ngồi đàn hát cho một con cọp lớn ngồi nghe. Quái trạng đó hiện chán ở đèo Quý Hồ thì lại quay về hiện ở Ðồng Giao. Ở đây, cũng như ở kia, chỉ là do một gốc tích mà xảy ra tình trạng ghê rợn ấy. Nàng Oanh thác rồi, 15 năm sau, con gái nàng mới thay nàng báo thù cho cha là Lê Trọng Việt. Câu chuyện báo thù ấy, lại là một vấn đề khác, nó dài dòng lắm, và nó ly kỳ rùng rợn chẳng kém gì câu chuyện của Oanh Cơ. Con người độc nhất vô nhị được rõ ng