
Tác giả: Đang cập nhật
Ngày cập nhật: 22:55 20/12/2015
Lượt xem: 134146
Đang đọc: 11 độc giả
Bình chọn: 9.00/10/146 lượt.
Tranh thủ giao ca, tôi đứng chỗ lan can phía ngoài phòng khám, ngây người ngắm hai cây hoa sữa đang mùa hoa trổ phía bên kia đường. Con phố này vẫn được người ta gọi bằng cái tên tự đặt là phố nữ sinh. Bởi chiều nào giờ tan học, lớp lớp áo dài trắng kéo qua đây với những âm thanh vui đùa khúc khích, đẹp đến ngây người, tinh khôi đến ngây người, nhất lại vào mùa thu, trời xanh ngắt không một gợn mây phụ họa thêm sắc trắng xanh của những bông hoa sữa.
Tôi không biết hai cây hoa sữa có từ lúc nào nhưng quãng thời gian chắc không hề ngắn. Xem nào, tôi về đây nhận công tác cũng được năm năm rồi, 30 tuổi, không ít chút nào, đủ vắt vai duy nhất một mối tình đúng nghĩa, tức là có thể gọi thành tên, không phải kiểu thương thầm trộm nhớ. Chính là em, cô nữ sinh với nụ cười lấp lánh đã đánh cắp tâm trí tôi suốt mấy năm nay mà không hề hẹn ngày mang nó trở lại.
Tôi chẳng còn trẻ để con tim bồng bột cảm xúc nhưng sao bóng hình em cứ xoắn xuýt lấy tâm trí và thi thoảng, quặn thắt con tim tôi độ ấy? 30 tuổi, không gia đình cũng chẳng thấy người thương nhớ, suốt ngày chỉ quẩn quanh với công việc, hết ca bệnh nọ đến ca bệnh kia, nhiều người trong bệnh viện gọi tôi là "lão già ba mươi", tôi cười xòa vui vẻ, họ không biết, tôi nhớ em, rất nhớ!
Lần thứ nhất...
Lần đầu tiên gặp em là lúc tranh thủ trông hàng bánh sinh nhật ngay gần bệnh viện giúp cô tôi. Trước lúc đi cô tỉ mẩn dặn dò từng đơn hàng một, nếu có người đến thì gói hàng cho họ. Em là vị khách cuối cùng, gói bánh cho em xong cũng là lúc cô tôi vừa về kịp. Vẻ ngây ngô của cô nữ sinh ngày ấy làm tôi muốn trêu chọc quá chừng. Em đến, chưa kịp để tôi hỏi đã "ốp" luôn:
- Cháu đến lấy bánh, chiếc một tầng, phủ socola!
Em cố kéo dài giọng lúc gọi tôi. Tôi ngạc nhiên, em gọi tôi là chú sao? Trước giờ bệnh nhân đến, kể cả những em nhỏ hơn em cũng chỉ gọi tôi là anh thôi. Ai cũng bảo tôi trẻ lâu, vậy mà... Tôi ngước lên, bắt gặp em đang cười khúc khích trước phản ứng "đơ toàn tập" của mình thì hơi tức và muốn trả đũa em một phen. Đưa hộp bánh cho em xong, tôi nắm cổ tay kéo em đi thẳng vào quán cafe cách đó một dãy nhà mặc kệ cô tôi mắt tròn mắt dẹt. Đến nơi, tôi đẩy em ngồi vào chiếc ghế kê ở góc quán, lớn tiếng gọi người phục vụ quen mặt, em vẫn bị bất ngờ nên yên lặng nhưng lúc sau khi nghe tôi hỏi thì lại khác:
- Nói ngay, sao dám trêu tôi?
Em hét toáng lên trước con mắt kinh ngạc của tất cả khách và nhân viên trong quán:
- Chú à, con nom chú cũng lớn tuổi rồi đó, nên cư xử đúng đắn đi, đừng có thấy con nhỏ mà bắt nạt nha!
Đến lượt tôi há hốc trước thái độ của mọi người dành cho mình. Con bé này... em giỏi lắm. Tôi bấm bụng nhìn em cười đắc thắng rồi nhảy chân sáo ra khỏi quán.
Sau hôm đó, tôi vừa tức, vừa... buồn cười, nhớ mãi em với ánh mắt tinh khôi trong trẻo và tia cười tinh nghịch lấp lánh đã "chơi xỏ" tôi hai lần liền trong cùng một buổi chiều. Được, được lắm!
Lần thứ hai...
- Bác sĩ Minh, có ca cấp cứu!
Nghe gọi tên mình, tôi gần như bay sang phòng cấp cứu, một ca bị mất máu nhiều, tôi đón bệnh nhân vào, cửa phòng y tế đóng sập, bỏ ngoài tai những lời rên rỉ than khóc nhưng vẫn kịp nhận ra em với rèm mi ướt nhòe. Không được phép phân tâm, tôi đanh mặt, tập trung hết sức cho ca bệnh của mình.
Tôi nghe y tá sơ lược lại tình trạng. Nạn nhân bị chém vào bả vai, mất máu nhiều dẫn đến hôn mê. Tôi thoảng nhìn gương mặt đang dần trắng bệch đi của chàng thanh niên trẻ, tự nhắc mình phải nhanh hơn nhưng không được phép mất bình tĩnh, mắt liên tục ngó điện tâm đồ. Sau gần một tiếng, cuối cùng tình trạng cũng dần ổn định, tôi thở phào, vứt nốt phần việc còn lại cho bác sĩ trực ngày hôm đó rồi lững thững bước ra. Vẫn thấy em ngồi ở hàng ghế chờ, gần như gục xuống đôi tay run rẩy, không nhận ra cửa phòng cấp cứu đã mở từ lâu. Tôi tiến đến, lay vai em:
- Này...
Em ngước nhìn tôi, ánh mắt thất thần. Tôi định nói nhưng em lên tiếng trước:
- Anh ấy sao rồi?
Nhận ra hơi thở em đứt nhịp đợi chờ. Tôi đáp:
- Ổn hơn rồi!
Em thở phào, tôi tiếp:
- Bạn trai sao?
Em định cười mà không nổi:
- Là anh trai!
Tôi nhìn thần sắc em nhợt nhạt, vệt máu loang dài trên vạt áo trắng tinh, lòng chợt thắt lại. Tôi đẩy em ra phía cửa, nói vội vàng:
- Về nghỉ đi, thủ tục để tôi lo giúp. Tạm thời chỗ này, không cần em!
Câu chuyện tiếp tục khi đến ca trực của tôi. Mẹ em vì quá hoảng hốt nên phải nằm truyền dịch từ sáng. Em xuất hiện ở phòng bệnh, nom đã tươi tắn hơn nhiều. Thấy em vào, tôi hỏi không còn người nữa sao, em đáp rầu rầu:
- Nhà em bây giờ chỉ còn ba người , lại xa quê. Năm em được 7 tuổi, bố cùng anh trai lớn đi phượt xuyên Việt, cuối cùng ngã lúc qua đèo, cả hai cùng mất... - nước mắt em nhạt nhòa nói lời cảm ơn tôi, khác hẳn với lần gặp trước đó. Tôi không thể ngờ chủ nhân của nụ cười, của ánh mắt tinh nghịch ấy lại ẩn sâu trong mình những nỗi đau