
Tác giả: Trần Thu Trang
Ngày cập nhật: 04:49 22/12/2015
Lượt xem: 1341116
Đang đọc: 11 độc giả
Bình chọn: 9.00/10/1116 lượt.
dở của mình. Ngay cả một ông bố kỳ quặc như bố anh ta nàng cũng không có. Nàng nhếch môi chua chát:
- Những ông bố luôn làm khổ chúng ta, nhỉ?
Thanh im lặng bước đi. Hai người vòng qua nhà thờ đá. Nét sừng sững câm nín in trên nền trời của nó càng làm cho đêm chẳng bình yên. Vân thoáng rùng mình, nàng đang mặc một bộ váy ngủ khá mỏng, chiếc áo khoác giữ cho thân trên đủ ấm nhưng đôi chân thì lạnh toát. Thanh chợt lên tiếng:
- Tên chị nghĩa là gì? Hái mây à?
- Không, sao Thanh lại nghĩ là hái mây?
- Tôi thấy bài Thái liên khúc nghĩa là Khúc hát hái sen nên đoán vậy.
- Thái liên khúc là băm liên tục đấy, không phải sen súng gì đâu!
Thanh bật cười. Vân cảm thấy run rẩy chẳng rõ vì gió lạnh hay vì nụ cười bình thản ấm áp ấy. Nàng quay mặt đi, nói nhỏ:
- Chữ Thái này nghĩa là sáng và nhiều màu hoà vào nhau. Thái Vân là mây có ánh mặt trời rọi vào sáng bừng lên. Tôi sinh vào sáng sớm, mẹ tôi nhìn về phía Phán Si Pản thấy cảnh ấy nên đặt như vậy.
- Mẹ chị là người Hoa? Mà chị đọc chữ Fanxipan nghe hay nhỉ. Giống như tiếng Trung ấy.
- Tiếng H’mông. Người Mông bảo rằng gọi như vậy vì trên đỉnh núi có ba phiến đá to bằng phẳng. Còn mẹ tôi thì không phải người Hoa, nhà ông bà ngoại tôi gốc Kiến An - Hải Phòng. Thời kiến thiết Tây Bắc, người Kiến An lên Sapa đông lắm. Cha tôi mới là người Hoa. Nhà cha ở cạnh nhà ông bà ngoại tôi. Ông và mẹ tôi lớn lên bên nhau.
- Vậy nên mẹ chị mới biết chữ Hán?
- Mẹ tôi nhờ cha mới biết chữ, cả chữ Hán lẫn chữ Việt. Hồi đó ông bà ngoại tôi rất phong kiến, không cho con gái đi học. Cha tôi học Hán văn với ông nội, Việt văn ở trường, được cái gì đều đem dạy lại cho mẹ. Đổi lại, có gì ăn mẹ cũng chia cho cha. Nhà ông bà nội tôi nghèo lắm.
- Có phải vì thế mà hai người không thành?
- Không, hai người yêu nhau, hai bên gia đình đều đồng ý, chỉ còn chờ mãn tang bà nội là cưới thôi. Nhưng rồi tình hình biên giới căng thẳng, người Hoa ở khắp Việt Nam đều được kêu gọi về nước hết. Ông nội tôi và cha tôi gốc Phúc Kiến, nghèo nên sống phụ thuộc vào họ hàng đồng hương nhiều, dắt díu về lại quê cũ, định bụng là khi nào yên thì sẽ quay sang. Ai ngờ…
Ngưng một hơi, ho húng hắng vì bụi cát bay vào họng, ngồi xuống bậc đá trước nhà thờ, Vân kể tiếp:
- Một năm trời không ai nhận được tin tức gì của cha tôi. Khi ấy mẹ 21 tuổi, đã mang thai tôi. Cả nhà khuyên răn ép buộc cũng không chịu bỏ. Ông bà ngoại phần vì phong kiến phần vì không biết cha tôi còn sống hay đã chết nên đã ép mẹ tôi lấy dượng. Mới đầu mẹ chỉ coi chuyện cưới dượng là để không mang tiếng chửa hoang, sinh tôi xong thì sẽ chia tay. Nhưng tôi mới tròn hai tháng thì chiến tranh nổ ra ác liệt. Bác cả tôi chết vì đạn pháo, bác hai làm dân quân thì hy sinh trước đó không lâu. Ông bà ngoại tôi suy sụp, dượng đưa cả nhà chạy xuống tận Mộc Châu và ở đó gần một năm. Khi trở lên Sapa, tôi đã có em trai…
Thanh gật đầu như đã hiểu được mọi việc. Vân vẫn đều giọng:
- Ngay từ đầu dượng tôi đã biết rõ mọi chuyện của cha mẹ tôi, dượng là người làm công trong nhà ông bà ngoại. Trước chiến tranh ông bà tôi có xưởng đậu phụ mà… Dượng ghét cha tôi, cũng chẳng muốn sự có mặt của tôi trên đời. Nhưng ông ta đối xử tốt với ông bà ngoại và rất quỵ luỵ mẹ tôi.
- Ông ấy yêu mẹ chị. Rất yêu.
Vân gật đầu tránh ra khỏi tầm che chở của Thanh, quay người đi về phía đường vòng. Con đường dài hun hút, nàng cất tiếng hát một bài dân ca quê cha, âm điệu líu lo lạc lõng trong đêm.
“Trái tim em có ước mơ.
Em vẫn nghĩ rằng lấy chồng phải lấy người như anh.
Đêm đêm ngước nhìn trăng, mơ có anh bên cạnh
Hoa trên mặt đất nở vì ai, uyên ương dưới nước thành đôi vì ai.
Thả chiếc khăn theo gió bay đến bên anh.”
- Tiếng Phúc Kiến y như tiếng Đài Loan nhỉ -Thanh bước lên đi song song với nàng.
- Giống, Đài Loan và Phúc Kiến cách nhau có một cái eo biển thôi mà. Nhưng Thanh biết tiếng Trung sao?
- Tôi nghe nói được thôi, chữ thì khó quá không biết viết mấy.
- Tôi tưởng trong trường đại học Singapore họ chỉ dùng tiếng Anh.
- Mọi người vẫn phải giao tiếp nhiều bằng tiếng Trung mà, những người gốc Ấn còn nói tiếng Tamil nữa. Học xong tôi ở lại bên đấy thêm 2 năm - giọng Thanh chùng lại - Làm để trả nợ tiền đi học. Đồng nghiệp ở văn phòng phần lớn người gốc Hoa, họ toàn dùng tiếng Trung, chỉ họp hành công việc với sếp thì mới động tới tiếng Anh. Hơn nữa tôi từng chung phòng ký túc với một thằng Đài. Nghe Vân nói giống hệt nó.
Vân đưa mắt nhìn sang. Thanh đang so vai đút tay vào túi quần, dáng gù gù hơi chúi về phía trước, chỉ thiếu mái tóc dài bẩn bết là đúng kiểu Rocker bê tha. Hình như anh ta đang ngẫm nghĩ điều gì. Nàng đi vượt lên:
- Thanh nghe tôi nói bao giờ?
- À, tôi nhầm - Thanh nói như vừa tỉnh ngủ - Ý tôi là hát. Vân hát hay lắm.
Vân không quay lại, nàng nói thản nhiên:
- Làm “tay vịn” karaoke chuyên nghiệp mà!
Thanh im lặng, vẫn bước đều đều sát sau nàng, có lẽ sự thật này chưa đủ khủng khiếp với anh ta. H