
Tác giả: Lisa See
Ngày cập nhật: 02:58 22/12/2015
Lượt xem: 1341045
Đang đọc: 11 độc giả
Bình chọn: 9.00/10/1045 lượt.
Ngồi Yên Lặng
TÔI LÀ NGƯỜI MÀ DÂN TRONG THÔN gọi là “kẻ lọt sổ tử thần” - một bà góa tám mươi. Sống thiếu chồng, ngày đối với tôi thật dài. Tôi chẳng buồn để ý đến những món ăn đặc biệt mà Mẫu Đơn và người khác dọn cho nữa. Tôi cũng không còn mong chờ những sự kiện vui vẻ đã thành lệ của gia đình. Giờ đây, tôi chỉ đăm đăm hướng về quá khứ. Sau ngần ấy thời gian, cuối cùng tôi cũng đã có thể nói ra những điều mà trước đây, khi còn chịu ơn sinh dưỡng của cha mẹ cũng như ơn nuôi nấng của nhà chồng, tôi không thể. Tôi có cả một cuộc đời để kể lại; tôi chẳng còn gì để mất và cũng chẳng có mấy thứ phải kiêng kỵ.
Tôi đã sống đủ lâu để hiểu thấu những cái hay cái dở của bản thân, mà cái hay cái dở đó xét cho cùng cũng chỉ là một. Suốt cả cuộc đời tôi luôn khao khát tình yêu. Tôi biết khát khao và mong đợi điều đó thì thực không phải đạo chút nào, cả khi còn con gái lẫn khi đã trở thành đàn bà, nhưng tôi vẫn khao khát, và chính cái khát vọng không chính đáng này là gốc rễ của mọi muộn phiền trong cuộc đời tôi sau này. Tôi từng ước mơ rằng mẹ sẽ chú ý đến tôi, rằng bà và mọi người trong gia đình sẽ dần yêu thương tôi. Để giành được tình cảm của họ, tôi đã tỏ ra biết vâng lời - một phẩm chất lý tưởng cho những người thuộc giới nữ như tôi - nhưng tôi lại quá sẵn sàng làm bất kỳ điều gì họ bảo. Hy vọng họ sẽ tỏ ra ân cần với tôi dù chỉ là chút ân cần nhỏ bé nhất, nên tôi đã cố gắng đáp ứng mong mỏi của họ - phải có được một đôi chân bó vào loại nhỏ nhất vùng - vì thế tôi chấp nhận để cho người ta bóp vỡ xương ra rồi khuôn lại thành một hình dạng đẹp hơn.
Khi nhận ra mình không thể chịu đựng thêm một phút đau đớn nào nữa, nước mắt tôi rơi xuống đôi chân bị bó nhuộm máu, mẹ thì thầm vào tai động viên tôi cố vượt qua thêm một giờ, một ngày, rồi một tuần nữa, nhắc tôi nghĩ đến những phần thưởng tôi sẽ được hưởng nếu cố thêm chút nữa. Cứ như thế, mẹ dạy tôi cách chịu đựng - không chỉ những đau đớn về thể xác như việc bó chân hay sinh nở, mà còn là những nỗi đau day dứt hơn trong tâm, trong trí và trong hồn. Mẹ cũng chỉ ra những nhược điểm của tôi và hướng dẫn tôi làm thế nào để biến chúng thành lợi thế. Ở đất nước tôi, người ta bảo những người như mẹ là thống ái. Con trai tôi bảo rằng về chữ viết thì từ thống ái gồm hai chữ, thống nghĩa là nỗi đau, ái nghĩa là yêu. Đó là tình yêu của người mẹ.
Việc bó chân không chỉ làm biến đổi đôi chân tôi mà còn biến đổi toàn bộ cá tính của tôi, và theo một cách kỳ lạ nào đó, tôi cảm thấy dường như quá trình đó vẫn tiếp diễn suốt cả đời mình, biến tôi từ một con bé yếu đuối thành một cô gái cả quyết, rồi từ một người phụ nữ trẻ tuyệt đối phục tùng nhà chồng trở thành người đàn bà có địa vị thuộc hàng cao nhất trong huyện, thi hành những luật lệ và tập tục thôn xã hà khắc. Cho đến năm bốn mươi tuổi, sự cứng rắn khi bó chân từ đôi gót sen ba tấc đã ăn sâu vào trái tim tôi, vốn vẫn khư khư giữ lấy những ký ức về sự bất công và lòng oán hận dai dẳng đến độ tôi không bao giờ có thể tha thứ cho những người tôi yêu và cho những người yêu tôi. Sự nổi loạn duy nhất của tôi bộc lộ ở nữ thư, thứ chữ viết bí mật của nữ giới chúng tôi. Vụ vượt rào đầu tiên của tôi là vào lúc Tuyết Hoa - lão đồng(1)_ của tôi, người bạn viết thư bí mật của tôi - gửi cho tôi một chiếc quạt đang nằm trên bàn của tôi đây, và rồi tiếp tục viết thư cho tôi trên chiếc quạt sau khi chúng tôi gặp nhau. Tuy vậy, ngoài lúc ở bên Tuyết Hoa ra, tôi quyết tâm trở thành người vợ đảm, nàng dâu thảo, và người mẹ hiền. Vào những thời kỳ khó khăn, trái tim tôi trở nên rắn như đá vững như đồng. Tôi có một sức mạnh tiềm tàng để chống chọi với đau khổ và bi kịch. Nhưng giờ tôi lại đang ở đây, là một quả phụ, ngồi im lặng theo truyền thống, và tôi hiểu rằng mình đã mù quáng suốt bao năm ròng.
“Giúp bà đi,” mẹ tôi ra lệnh “xem bà cần gì.”
Mặc dù đã tự hứa với chính mình, nhưng tôi vẫn e ngại. Sáng ra, lợi của bà nội tôi nhớp nháp và chua lòm, nên không ai muốn đến gần bà. Tôi rón rén đến bên bà và nín thở, nhưng bà xua tay lia lịa. Tôi đi nhanh đến độ tông cái rầm vào bố tôi - thành viên thứ mười một và là người quan trọng nhất trong gia đình tôi.
Bố không hề quở trách tôi, và cũng không nói gì với ai cả. Theo tôi biết, bố sẽ không nói gì cho đến khi ngày qua đi. Ông ngồi xuống và chờ được phục vụ. Tôi chăm chú nhìn mẹ khi bà lẳng lặng rót trà cho bố. Có thể tôi sợ bà sẽ lại để ý đến tôi như lệ thường vào mỗi buổi sáng, nhưng bà mải chú tâm vào chuyện xử sự với bố hơn. Bố rất hiếm khi đánh mẹ, ông cũng không bao giờ lấy thêm vợ bé, nhưng sự cẩn trọng của bà khiến bọn tôi để ý.
Thím tôi sắp bát lên bàn và dùng muỗng múc cháo ra, còn mẹ tôi thì cho em bú. Sau khi cả nhà ăn uống xong, bố và chú ra đồng, còn mẹ, thím, bà nội và chị gái tôi thì lên cái buồng dành riêng cho phụ nữ ở trên gác. Tôi muốn được đi theo mẹ và mọi người nhưng chưa đến tuổi. Tệ hơn là giờ đây tôi còn phải cùng anh trai trông em trai út và em ba khi chúng tôi ra ngoài.
Tôi cõng em trai trên lưng khi chúng tôi đi cắt cỏ và đào rễ c