
Chuyện xảy ra trên con tàu tốc hành Phương Đông - Phần 01: Những dữ kiện
Tác giả: Nguyễn Đình Tú
Ngày cập nhật: 22:47 17/12/2015
Lượt xem: 1341286
Đang đọc: 11 độc giả
Bình chọn: 9.00/10/1286 lượt.
điều cả thảy, gọi là thập thiện nghiệp.Hắn hỏi:- Là những điều gì?Hiến đáp:- Gồm có sửa thân ba phép: Phóng sinh, bố thí, tiết chế thị dục. Sửa miệng bốn phép: Chân thật, không thêu dệt, không nói độc ác, không xúi giục người khác thù ghét nhau. Sửa ý ba phép: Không tham, sân, si. Đây là hai phép tu sơ đẳng và thấp nhất của đạo, tôi e là mình chỉ đạt được đến phép thứ hai này thôi.Hắn hỏi tiếp:- Vậy còn những phép nào nữa?Hiến đáp:- Còn ba phép nữa. Tu Thinh văn, tu Duyên giác và tu Bồ tát thừa. Những phép tu này cao siêu và huyền nhiệm lắm. Ở Thinh văn thì nhờ Phật mà xuất ly khổ, còn Duyên giác thì tự giác mà được giải thoát. Còn Bồ tát thừa là phép tu của các đấng chí tôn, không chỉ tự giác ngộ mà còn nguyện đem chỗ giác ngộ của mình mà dạy chúng sinh cùng giác ngộ theo.Hắn bảo:- Đã bắt đầu thấy loạn óc và khó hiểu rồi đấy. Hiến có thể nói cho tôi một cách đơn giản nhất về cái phép tu cuối cùng, phép Bồ tát thừa ấy được không?Hiến đáp:- Tôi cũng đang cố gắng hiểu nó mà chưa hiểu nổi. Nói chung tu Bồ tát thừa là tu theo sáu phép ba la mật hay còn gọi là tu lục độ, tức là sáu phép độ ta qua bờ bên kia của chính giác. Sáu phép ấy là Bố thí ba la mật, Trì giới ba la mật, Nhẫn nhục ba là mật, Tinh tấn ba la mật, Thiền định ba la mật và Trí huệ bát nhã ba la mật.Hắn ôm đầu choáng váng nhưng vẫn cố gượng hỏi:- Phép thứ nhất ấy được hiểu như thế nào?Hiến bảo:- Bố thí ba la mật gồm Tài thí, Pháp thí và Vô uý thí. Tài thí là bố thí của cải, Pháp thí là bố thí phập pháp, Vô uý thí là bố thí lòng dũng cảm, bố thí cái "Không sợ". Ở phép tu này...Hiến nói đến đây thì hắn ngất xỉu, đầu gục xuống bàn, gạt đổ cả tách trà chú tiểu vừa châm, còn đang bốc khói. Hiến vội đưa hắn vào trong nghỉ. Đêm bắt đầu nối canh. Hiến còn lại một mình, ngẩng đầu nhìn trời rồi đưa tay lên bấm từng đốt. "Không kịp rồi!", Hiến lẩm bẩm. Những ngọn nến cháy hết lần lượt tắt phụt. Ngôi chùa chìm vào yên ắng. Hiến bước về trai phòng, ngồi xếp bằng vừa đọc kinh vừa lần tràng hạt. Trăng trôi trên nóc chùa, đến khi mệt nhoài mờ nhạt nơi góc trời thì những bông quỳnh thay nhau héo rũ.Buổi sáng hôm sau, vị sư trẻ trụ trì chùa Áng Sơn vừa kéo cửa phòng bước ra ngoài thì vấp ngay phải hắn đang phủ phục trước thềm. Sư Pháp Thiện kinh hãi, giật lùi trở lại, miệng lắp bắp:- Kìa Đàn! Đừng quì thế, vết thương ở chân chưa lành đâu...Hắn ngẩng đầu lên, khẩn cầu:- Xin đại đức hãy nhận tôi vào chùa, không còn cánh cửa nào mở ra cho tôi nữa rồi, tôi xin làm đệ tử cho đại đức, xin suốt đời làm tiểu ở đây. Xin đừng từ chối.Sư Pháp Thiện không ngờ hắn lại thay đổi nhanh đến thế, sau những phút bối rối, nhà sư trẻ bảo:- Phạm luật trời thì trời phạt, phạm luật đời thì đời trị, phạm luật người thì người đòi. Đàn chưa trả hết nợ cho đời, chưa thể vào chùa được. Người của đời đến đòi Đàn kia kìa. Đàn hãy vui vẻ ra với họ đi. Nhân ấy thì quả này, không tránh được đâu.Hắn từ từ quay đầu lại. Cổng chùa đã mở rộng từ bao giờ. Ngay bậc tam cấp bước xuống sân chùa năm, sáu người mặc cảnh phục đang đứng sẵn đợi hắn. Hắn lại nhận ra khuôn mặt quen quen có nốt ruồi to bằng đầu đũa ở đuôi mắt trái. Người này bước lên thềm, tiến đến chỗ hắn và tra chiếc còng số tám vào hai cổ tay hắn. Hắn được xốc dậy đưa ra sân. Chiếc Xít đờ ca đỗ ngoài cổng chùa chỉ chờ hắn ngồi lên nữa là lao xuống chân núi. Hắn quay lại nhìn ngôi chùa lần cuối, thấy vị sư trẻ đang đứng trước điện nhìn theo hắn. Không thể nào biết được sư Pháp Thiện đang nghĩ gì. Vị sư trẻ này đã thức trắng đêm để sáng nay đưa tiễn một tội đồ về nơi anh ta phải chịu những phán xét. Chú tiểu tiến đến bên cạnh, bẩm: "Thưa thầy, xe đã đi xa rồi, mời thầy rửa mặt rồi vào dùng trà ạ".Sư Pháp Thiện khẽ gật đầu nhưng lại đi ra chỗ khóm quỳnh. Nhà sư đưa tay cầm lên từng bông quỳnh mềm oặt, héo rũ, lẩm bẩm một câu gì đó rồi mới thủng thẳng bước lên trai phòng.Bình minh bắt đầu ló rạng trên đỉnh tháp chuông.