
Tác giả: Nguyễn Đình Tú
Ngày cập nhật: 22:47 17/12/2015
Lượt xem: 1341281
Đang đọc: 11 độc giả
Bình chọn: 9.00/10/1281 lượt.
- Tôi cũng đã nghĩ, rất có thể một ngày nào đó Đàn sẽ gõ cửa nhà tôi và dí súng vào mang tai tôi cũng nên. Báo chí tô vẽ Đàn thành một tên cướp huyền thoại. Còn tôi, tôi chỉ thấy là Đàn đang rơi vào bi kịch mà không thể thoát ra được. Có người còn đang thu thập tư liệu để viết sách về Đàn đấy. Cậu ta cũng đã đến gặp và hỏi chuyện tôi. Cái cậu nhỏ nhắn, thư sinh, đeo cặp kính cận ấy. Cậu ta bảo đã từng ở trong hang đá với Đàn, từng uống rượu và đọc thơ cho Đàn nghe. Tôi chả tin. Và tôi bảo với cậu ấy rằng: "Cái ác nó lạ lắm, chả biết hạt giống được lấy ở đâu, nó có thể rơi xuống bất kỳ một con người nào và nảy mầm trong giây phút. Một người vô học có thể cầm dao chém mẹ, một giáo sư cũng có thể đóng đinh vào đầu vợ, một nhạc sĩ cũng có thể cầm tuốc nơ vít ngoáy vào tim người khác, làm sao cứ phải bận tâm lý giải về trường hợp của Đàn làm gì". Thế là cậu ấy bỏ đi. Nhưng tôi biết cậu ấy chưa từ bỏ ý định viết về Đàn. Hay là bi kịch của mỗi con người đều là chất men gây cảm hứng sáng tác cho những tâm hồn nghệ sĩ?Hắn bảo:- Cậu ấy đã từng ở với tôi thật đấy. Và cậu ấy đúng là một nghệ sĩ.Bằng bỗng hạ giọng:- Ừ thôi, đấy là chuyện của Đàn. Bây giờ Đàn thành thật trả lời tất cả những điều tôi hỏi. Chỉ có cách ấy may ra mới có thể tìm được một vài tình tiết giảm nhẹ nào đấy cho Đàn. Ví như trường hợp thằng Hân, ở với nó từng ấy ngày Đàn có thấy nó mắc bệnh gì liên quan đến tim mạch không?Hắn không hiểu:- Bệnh tim mạch á? Để làm gì?Bằng bảo:- Để tôi có thể chứng minh rằng thằng Hân chết không phải vì ngạt do bóp cổ.Hắn lắc đầu:- Thôi, ông đừng làm thế, chả giúp được gì cho tôi đâu. Tội tôi nhiều lắm, đâu chỉ mỗi việc bóp cổ thằng Hân. Mà tôi cũng thấy mình phải trả giá cho những việc mình làm là hợp với luật đời. Giãy giụa, kêu gào làm gì nữa, cũng chỉ như con chó trước khi bị chọc tiết thôi.Bằng bảo:- Vậy Đàn cự tuyệt lòng tốt của tôi à?Hắn bảo:- Tôi rất cảm ơn ông nhưng ông đừng phí phạm lòng tốt vào việc cứu tôi làm gì. Tôi thấy nó hoang tưởng lắm.Bằng có vẻ không hài lòng. Có lẽ anh ta không ngờ Đàn lại không mặn mà với đề nghị của mình, một đề nghị có ý nghĩa như một cây gậy thò ra cho người chết đuối. Bằng móc trong túi quần ra một miếng khô mực to bằng nửa bàn tay, bật lửa hơ nướng. Bằng đã quen với việc này nên động tác rất gọn. Khi miếng mực đã chín đều, quăn lại, teo tóp, Bằng cất bật lửa vào trong túi rồi xé mực đưa vào miệng. Hắn quan sát mọi động thái của Bằng và không hiểu được con người thực của Bằng hiện giờ là như thế nào? Ngay ngày xưa khi còn ở chung phòng với nhau hắn còn không hiểu được Bằng, thì bây giờ, với bao nhiêu những đổi thay của số phận, làm sao hắn có thể nắm bắt nổi Bằng. Vẻ thất vọng hiện rõ trên khuôn mặt Bằng. Chẳng lẽ nét mặt kia là thật? Chẳng lẽ cái dáng vẻ sám hối kia là thật? Chẳng lẽ bao nhiêu năm qua trong khi hắn mỗi ngày một bị đẩy về cực xấu thì Bằng chuyển động về phía cực đối lập? Chẳng lẽ Bằng xách cặp đến đây thực sự không phải vì tiền, vì danh hay vì một lợi ích thiết thân nào đấy? Ôi chao, nếu vậy thì cuộc sống khó hiểu thật! Con người lại càng khó hiểu hơn!- Đàn đã đọc kỹ cáo trạng chưa? - Nhai xong miếng mực Bằng bỗng quay ra hỏi hắn.- Đọc rồi - Hắn đáp.- Thấy họ viết thế nào? Có chỗ nào không đúng như Đàn đã làm không?- Những điều họ viết còn ít hơn những việc tôi làm.- Mấy hôm nữa ra toà Đàn cũng định trả lời như thế này sao?- Như thế này là thế nào?- Là nhận tất tần tật. Chẳng lẽ Đàn đã hoàn toàn tuyệt vọng, không còn thiết sống nữa?- Biết làm sao được khi mà tôi không thể chối nổi những việc mình làm. Tất cả đã rõ ràng. Ông đừng xới tung lên cho mọi sự thêm rối rắm. Lúc này, thực sự tôi không cần điều ấy, tôi chỉ cần ông với ý nghĩa như một người đến thăm thân cho tôi đỡ buồn trong những tháng ngày này. Ông hiểu ý tôi không?