
Tác giả: Nguyễn Đình Tú
Ngày cập nhật: 22:47 17/12/2015
Lượt xem: 1341295
Đang đọc: 11 độc giả
Bình chọn: 9.00/10/1295 lượt.
ên, thò hai chân qua song và dán mắt vào khoảng trống giữa các song sắt đó để giao lưu với thế giới bên ngoài. Đó cũng là chỗ duy nhất ánh sáng trở nên phóng túng đối với em đồng thời cũng là chỗ duy nhất khiến em không nổi da gà mỗi khi nghe tiếng còi ô tô. Ngôi nhà khá dài, thông thống một không gian thiếu sáng. Chỗ bố con em ngủ lúc nào cũng đùng đục một màu nước hến, những lúc em nằm ở đó một mình, bất ngờ tiếng " bim, bim" choá lên, em co rúm người lại vội chạy ra cửa sổ.Tiếng còi ô tô đối với em thật kinh khủng, nó đi vào giấc ngủ, là nguồn cơn của mọi ác mộng và thường thì sau mỗi cơn ác mộng như thế bố lại ôm chặt em vào lòng, khẽ bảo "khổ thân con tôi, ban ngày chơi gì mà đêm ngủ cứ giật mình thon thót". Tiếng còi ô tô đặc biệt là cộng hưởng với mùa hè, tạo thành một lưới không gian ngột ngạt, mờ tối, ảm đạm, tĩnh lặng bao chùm lên em thứ phản ứng bất an thường trực. Bố thường về vào lúc mười một giờ trưa, vội vàng cơm nước cho em xong rồi cùng em lên giường đi ngủ. Khi em tỉnh giấc đã không thấy bố em đâu nữa. Rất có thể lúc ấy thứ tiếng "bim, bim" kia ập vào xé rách khoảng không mờ tối và em hốt hoảng nhận ra mình đang nằm một mình trên giường. Ngay lập tức xuất hiện cái cảm giác bủn rủn lan truyền khắp cơ thể và nó chỉ tan biến đi khi em bật dậy chạy ra chỗ cửa sổ, leo lên đó phóng tầm mắt ra ngoài đường, bám níu, nương tựa vào những bóng người thưa thớt, qua lạ trên hè phố.Một hôm bố em về sớm hơn thường lệ. Bố thay cho em bộ quần áo mới nhất rồi đặt em lên sau xe. Bố đưa em đến một đám ma, không khí ở đó thật buồn bã ủ ê. Đám ma không đông lắm, bố dắt xe đi vào hàng cuối, lẫn với những người đưa đám. Có một vài ánh mắt nhận ra bố con em. Họ nhìn trộm, họ chỉ chỏ rồi hình như là họ chép miệng. Khi người chết đã được đắp cho một ngôi mộ vuông vức, phủ kín vòng hoa, chờ cho đoàn người đưa ma ra về hết, bố đưa em đến trước mộ và bảo: "Con quì xuống lạy mẹ đi". Trong khi em còn chưa hiểu gì thì bố lại lẩm bẩm: "Mẹ con số đoản mệnh, xẹt qua cõi đời này như một chớp sao, đủ để làm khổ hai người đàn ông rồi ra đi".Sau này khi đã vào đại học, trong một lần tham gia trò chơi hái hoa dân chủ em bốc phải câu hỏi: "Bạn nghĩ gì về tình mẫu tử?" em đã không trả lời được, vì thực sự, thứ tình đó đối với em chưa từng hiện hữu trên cõi đời này. Ngay cả khi đứng trước ngôi mộ của mẹ, em cũng không hề thấy trong mình có một cảm giác gì đặc biệt, dù chỉ là một cái rùng mình thoáng qua.Mẹ em bị bệnh tim. Bà chết sau khi em đến trường được vài tháng. Thường bố vẫn qua trường đón em vào buổi trưa, có một lần cô giáo đưa em về qua chỗ cơ quan bố, nhưng em không thích không khí ở chỗ đó. ở đấy có những người đàn ông tay đầy dầu mỡ, những cô công nhân khẩu trang đeo kín mặt, họ bí hiểm, đáng sợ sau trang phục màu xanh bảo hộ. Thấy em họ thường đùa tếu những câu em không hiểu nhưng họ lại cười toáng lên, ý vị và vui vẻ lắm. Thế nên em không nhờ cô giáo đưa về qua đó nữa, em kiên nhẫn đứngở cổng trường đợi bố.Hôm ấy bỗng dưng có một người đàn ông đến đón em. Ông bảo em về chỗ mẹ chơi rồi ông sẽ đưa em về nhà với bố sau. Không hiểu sao em lại có cảm tình với khuôn mặt nhẹ nhõm và khuôn mặt hiền từ của người đàn ông ấy. Em trèo lên sau xe của ông và ông đưa em đến một ngôi nhà nhỏ nằm giữa một khu vườn rậm rạp, hoang vắng, ngay cạnh bờ sông. "Mẹ con kia, con có nhớ mẹ không?". Nghe ông nói thế và nhìn theo cánh tay ông chỉ vào bức ảnh trên bàn thờ em mới chợt nhớ ra rằng mẹ em đã chết và cách đây chưa lâu, chính bố đã đưa em đến đứng trước ngôi mộ được đắp vuông vắn, bên trên phủ đầy hoa. "Chả có gì để nhớ", em bảo vậy. Người đàn ông đó khẽ gượng cười rồi đưa em ra sau nhà. Ông ấy bứt cho em mấy quả doi màu hồng nhạt. Em nhớ là trong ngăn tủ của ông có rất nhiều bánh kẹo và những thứ hấp dẫn khác hoặc giả ông đã có cách dỗ trẻ khéo đến mức em đã nghĩ như thế. Trong khi em chưa biết là mình có thích hay không thì ông gỡ cây đàn ghi-ta xuống và bập bùng bài "Bé bé bông bông". Đã quá mười một giờ trưa. Ông vội vàng đưa trả em về nhà. Bố có vẻ không vui nhưng hai người nói với nhau điều gì đấy rồi ông bẹo má em chào ra về. Bố bảo em ăn cơm. Em đã ăn no ở nhà người đàn ông của mẹ rồi nên không thiết ăn nữa. Bố bảo: "Thế thì ngồi nhìn bố ăn". Rồi bố kể chuyện nhà cu Tám.Cu Tám lên mười tuổi, nhà ở phía đối diện với nhà em, nhưng chéo về hướng ngã tư. Bố mẹ đi làm cả ngày nên cu Tám bị nhốt trong nhà như em. Cu Tám đã lớn nên được bố mẹ giao cho cầm chìa khoá cửa, chiếc chìa khoá ấy được treo lủng lẳng ở cổ, khi nào cần thiết mới đem ra mở. Hôm đó bỗng có một cô đến đưa cho cu Tám hai chiếc bánh mì kẹp thịt, bảo là mẹ cu Tám gửi cho. Khi cu Tám ăn xong cô nọ lai bảo cô làm cùng xí nghiệp với mẹ, cu Tám hãy đưa chìa khoá để cô mở cửa vào nhà ngồi nghỉ. Cu Tám đưa chìa khoá và khi người lạ mặt đó vào nhà rồi, liền trói cu Tám lại, nhét giẻ vào mồm, đút xuống gầm giường, lấy đi của nhà cu Tám một chiếc ti vi đem trắng, một cái đài và một bộ comple còn mới. Mãi đến trưa hôm ấy bố mẹ cu Tám mới đi làm về và cu Tám được cứu thoát khi đã